Cần làm gì khi động đất mạnh ở Nhật?

Mỗi năm, hàng ngàn trận động đất xảy ra tại Nhật Bản. Hầu hết các trận động đất diễn ra với sức ảnh hưởng nhỏ khiến bạn có thể không chú ý đến chúng. Tuy nhiên, là một quốc gia dễ bị động đất, luôn có khả năng xảy ra một trận động đất lớn ở Nhật Bản. Trong bài viết này Quốc tế Đông Phương sẽ chia sẻ tới các bạn các bước cơ bản để bảo đảm an toàn cần thực hiện nếu xảy ra trận động đất lớn trong khi bạn đang ở Nhật Bản và một số thông tin về động đất.

  1. Đảm bảo an toàn cho bản thân.

Trong một số trường hợp, Cơ quan khí tượng Nhật Bản sẽ đưa ra "cảnh báo sớm động đất" trước khi rung chấn mạnh xảy ra. Tuy nhiên, thời gian từ khi có cảnh báo đến khi có rung chấn mạnh là rất ngắn. Hơn nữa, cơ quan thường không thể đưa ra cảnh báo kịp thời. Do đó, ưu tiên hàng đầu là cần đảm bảo an toàn cho bản thân.

- Nếu đang ở bên trong các tòa nhà, mọi người cần bảo vệ đầu và di chuyển đến nơi an toàn, chẳng hạn như dưới gầm bàn. Đừng vội vàng chạy ra ngoài, cũng đừng cố tắt lửa từ bếp ga hay các thiết bị khác. Nếu có đông người bên trong tòa nhà thì tất cả mọi người không nên chạy ra ngoài cùng lúc. Đừng đứng dưới đèn trần hay các thiết bị khác treo trên trần nhà. Nếu đang đi thang máy, hãy dừng lại và ra khỏi thang máy ở tầng gần nhất.

- Khi đang ở bên ngoài, mọi người cần tránh xa các tòa nhà nếu thấy tường đổ, biển hiệu hay các mảnh kính vỡ rơi từ trên cao xuống. Nhanh chóng di chuyển vào bên trong các tòa nhà có vẻ kiên cố. Đồng thời, mọi người cần chú ý khi đứng gần các bức tường bê tông hay các máy bán hàng tự động dễ bị đổ. Các bạn cũng nên tránh xa các ngọn núi hay sườn dốc có nguy cơ đá rơi và sạt lở đất.

- Nếu đang lái xe, đừng đột ngột giảm tốc độ. Trước hết cần bật đèn báo rồi mới giảm dần tốc độ. Nên để nguyên chìa khóa lại trong xe khi rời khỏi xe.

- Nếu bạn ở gần biển, hãy chạy đến nơi an toàn và chuẩn bị tinh thần đón nhận cơn sóng thần.

Lưu ý thêm:

- Các tòa nhà có sức chịu động đất kém có thể bị sụp đổ. Nếu bạn cảm thấy lo lắng, hãy đi lánh nạn tại các trung tâm sơ tán.

- Lở bùn có thể xảy ra ở các mỏm đất đá hoặc khu vực sườn dốc. Nếu bạn cảm thấy lo ngại, hãy lánh nạn tới những trung tâm sơ tán. Nếu không thể tới những nơi đó, hãy lên tầng 2 hoặc cao hơn hoặc chuyển tới những căn phòng xa mỏm đất đá hoặc sườn dốc.

- Hiện tượng đất hóa lỏng có thể xảy ra tại các khu vực đất bồi lấp hoặc các khu vực gần bờ sông gây ra hiện tượng mặt đất bị lún hoặc nứt nẻ. Cần lưu ý hiện tượng này khi đi sơ tán.

- Nếu khu vực cạnh nơi bạn ở xảy ra hỏa hoạn và có khả năng lan tới gần nơi bạn sống, hãy nhanh chóng đi sơ tán trước khi quá muộn.

- Khi bị mất điện, bạn có thể phải dùng nến để thắp sáng nhưng hãy nhớ phải tắt nến khi không dùng nữa. Trước khi đi sơ tán cũng cần nhớ ngắt cầu chì để đề phòng khi đột ngột có điện trở lại những đường dây điện bị hư hỏng có thể sẽ gây hỏa hoạn.

  1. Chuẩn bị đồ cần thiết phòng xảy ra thảm họa.

Chuẩn bị những đồ dùng cần thiết phòng khi xảy ra thảm họa là việc làm cần thiết. Mặc dù biết điều này nhưng không ít người sẽ tự hỏi vậy sẽ phải chuẩn bị những gì và số lượng ra sao, những mặt hàng nào cần tích trữ và làm sao để tích trữ có hiệu quả mà không tốn nhiều công sức. Bên dưới là một số gợi ý của Đông Phương dành cho các bạn:

Những loại đồ tích trữ quan trọng là nước và thực phẩm. Chúng ta cần tích trữ đồ dùng khẩn cấp cho ít nhất 3 ngày, tuy nhiên nếu được chúng ta nên tích trữ ít nhất phần 1 tuần.

- Nước uống: là điều đầu tiên chúng ta cần chuẩn bị gần đây tại Nhật Bản có bán các sản phẩm nước uống thường có hạn sử dụng từ 5 đến 10 năm. Các bạn có thể mua tích trữ các sản phẩm này kết hợp với các loại nước đóng chai thông thường.

- Thực phẩm: nấu nướng có thể gặp khó khăn khi xảy ra trường hợp khẩn cấp, các bạn nên chuẩn bị trước những loại đồ ăn đặc biệt có thể nấu mà không cần dùng đến lửa (các loại mỳ ăn liền hoặc mỳ khô, cơm ăn liền hay thức ăn nấu sẵn như cà-ri, đồ đóng hộp, gạo alpha-mai, loại gạo chỉ cần đổ nước vào là có thể ăn được luôn, hoặc các loại đồ ăn có dụng cụ hâm nóng đi kèm không cần dùng đến bếp, và các loại đồ ăn vặt như bánh mỳ, bánh quy, sinh tố rau và các loại hoa quả để được lâu).

- Sữa cho trẻ em, đồ ăn cho người bị dị ứng: cần lưu ý là trong tình huống khẩn cấp, sẽ rất khó để mua được sữa, thức ăn trẻ em và đồ ăn cho người bị dị ứng. Do vậy việc tích trữ đủ lượng thức ăn cho trẻ em, người già, người có bệnh mãn tính và bị dị ứng là rất quan trọng.

- Đồ dùng: toilet khẩn cấp, xà phòng gội đầu không cần nước, giấy lau ướt và màng bọc thực phẩm bằng ni-lông, có thể dùng để bọc bát đĩa khi ăn rồi vứt đi sau khi dùng để không cần rửa bát đĩa.

- Thiết bị chiếu sáng, đài , pin khô: khi động đất xảy ra, các phương tiện truyền thông, điện thoại thông minh có thể bị gián đoạn hoặc không hoạt động. Vì thế người Nhật sẽ sử dụng đài để nghe các thông tin liên quan đến động đất, nơi cư cú an toàn...đây cũng là lý do người Nhật hình thành thói quen nghe đài.

- Đồ dùng cá nhân: thuốc, bàn chải đánh răng, quần áo...

Việc chuẩn bị nhiều thứ cùng một lúc là rất khó và các bạn nên chuẩn bị hai túi đựng đồ cần thiết 1 ở nơi ở của các bạn và một để ở nơi làm việc. Thảm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì vậy điều quan trọng là phải có thói quen dự trữ thêm đồ dùng cần thiết.

  1. Chú ý có thêm động đất xảy ra sau đó

Sau khi xảy ra một trận động đất lớn, trong nhiều trường hợp sẽ có thêm những trận động đất nhỏ hơn gọi là dư chấn.

Tuy nhiên, cần chú ý là đôi khi lại xảy ra động đất còn mạnh hơn trận đầu tiên. Vào tháng 4/2016, một trận động đất có độ lớn (M) 6,5, tương đương chấn độ 7 theo thang đo từ 0 đến 7 của Nhật Bản, đã làm rung chuyển tỉnh Kumamoto, Tây Nam Nhật Bản. Sau đó khoảng 28 tiếng, tại khu vực này lại xảy ra một trận động đất có độ lớn 7,3.

Do vậy, khi xảy ra động đất tại khu vực mình đang sống, các bạn cần lưu ý những điểm sau:

- Một là, chú ý có thể xảy ra động đất mạnh tương đương trận động đất đầu tiên trong vòng khoảng 1 tuần.

- Hai là, sau khi xảy ra động đất khoảng 2, 3 ngày, hãy chuẩn bị cho khả năng xảy ra động đất mạnh hơn trận đầu tiên.

- Ba là, cẩn thận có thể có đá rơi và sạt lở đất.

- Bốn là, trong trường hợp xảy ra rung lắc mạnh có chấn độ từ 6 trở lên, rất có khả năng nhà cửa sẽ bị đổ.

Người dân ở những khu vực chịu ảnh hưởng bởi động đất được khuyến cáo cảnh giác với dư chấn và những trận động đất mạnh hơn có thể xảy ra sau đó.

Quốc tế Đông Phương hy vọng với bài chia sẻ trên sẽ giúp các bạn chuẩn bị thật tốt kiến thức và tinh thần, các đồ dùng cần thiết để đảm bảo an toàn khi có động đất xảy ra.