Kế hoạch sơ tán khi núi Phú Sĩ phun trào

Nhật Bản không chỉ được biết đến là một đất nước xinh đẹp về thiên nhiên và nét đẹp văn hóa. Mà con người và lối sống cách làm việc của người Nhật vô cùng nghiêm ngặt, kỹ tính về các quy tắc và luôn có các biện pháp phòng chống thiên tai rất tốt.

Núi Phú Sĩ là một trong những kỳ quan địa lý, biểu tượng văn hóa của Nhật Bản. Ngoài ra, núi Phú Sĩ là một ngọn núi lửa đã dừng hoạt động một thời gian dài nhưng nó có thể hoạt động lại vào bất cứ lúc nào. Ngày hôm nay Đông Phương chia sẻ thông tin sẽ đến các bạn kế hoạch sơ tán khi núi Phú Sĩ phun trào.

Phần 1: Tại sao xem xét lại kế hoạch này?

Hồi cuối tháng 3 năm 2023, 3 tỉnh xung quanh núi Phú Sĩ và chính phủ trung ương đã công bố một kế hoạch sơ tán mới trong trường hợp núi Phú Sĩ phun trào. Trong loạt bài này, chúng ta cùng xem xét nên chuẩn bị những gì và cần làm gì khi xảy ra hiện tượng phun trào.

Núi Phú Sĩ đã dừng hoạt động trong một thời gian dài. Nhưng các chuyên gia nói rằng núi lửa có thể hoạt động trở lại bất cứ lúc nào vì vụ phun trào cuối cùng đã cách đây hơn 300 năm, và từ khoảng 20 năm trước, các nhà khoa học đã quan sát được một loạt các trận động đất đặc thù ở sâu bên dưới ngọn núi này.

Năm 2021, lần đầu tiên sau 17 năm, bản đồ thảm họa đã được sửa đổi quy mô lớn. Dựa trên bản sửa đổi này, một ủy ban bao gồm các quan chức của 3 tỉnh là Shizuoka, Yamanashi và Kanagawa, cũng như các chuyên gia đã soạn thảo một kế hoạch sơ tán mới.

Bản đồ sửa đổi về các khu vực có khả năng gặp thảm họa đã xem xét lại các vụ phun trào trong khoảng 5.600 năm trở lại đây. Một mô phỏng mới cho thấy có khả năng có tới 252 điểm phun, tức nhiều gấp 5 lần so với các nghiên cứu trước đây. Lượng dung nham ước tính cũng tăng gấp đôi và dự kiến cũng sẽ chảy xa hơn nhiều.

Mô phỏng mới - chi tiết hơn, đã cho thấy sự khác biệt rõ ràng giữa các khu vực có nguy cơ cao và những khu vực có nguy cơ thấp. Kế hoạch sơ tán mới đã được soạn thảo, dựa trên mô phỏng mới này.


Phần 2: Kế hoạch sơ tán theo khu vực

Cuối tháng 3 vừa qua, 3 tỉnh xung quanh núi Phú Sĩ và chính quyền trung ương đã công bố kế hoạch sơ tán mới để đề phòng trường hợp núi Phú Sĩ phun trào. Hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu về 6 nhóm khu vực ưu tiên sơ tán xét theo mức độ khẩn cấp.

Kế hoạch này quy định những khu vực buộc phải sơ tán dựa trên dự báo khả năng núi Phú Sĩ phun trào. Đây là các khu vực thuộc địa bàn 27 địa phương ở các tỉnh Shizuoka, Yamanashi và Kanagawa với khoảng 800.000 dân. Tuy nhiên, sẽ không cần phải sơ tán tất cả các khu vực nếu chỉ có 1 vụ phun trào.

Các khu vực sẽ được xếp theo thứ tự ưu tiên sơ tán từ mức 1 đến 6, tùy theo độ cấp bách, trong đó 1 là mức khẩn cấp nhất.

Khu vực số 1 là những nơi xung quanh 252 điểm có thể xảy ra phun trào.

Khu vực số 2 là nơi bụi, không khí nóng và đá của núi lửa có thể lan tới.

Tùy theo hoạt động của núi Phú Sĩ, người dân sống tại 2 khu vực nói trên, những người đi leo núi và khách thăm quan sẽ phải sơ tán trước khi xảy ra phun trào.

Khu vực số 3 là những nơi có thể bị dung nham tràn tới trong vòng 3 giờ đồng hồ sau phun trào. Vì vậy, người dân phải sơ tán ngay.

Khu vực số 4 là nơi dung nham có thể tràn tới trong vòng 24 giờ sau phun trào, còn khu vực số 5 là trong vòng 7 ngày và khu vực số 6 là trong vòng 57 ngày sau khi xảy ra phun trào.

Đối với các khu vực số 4,5 và 6, phải mất nhiều thời gian hơn thì dung nham mới lan tới, nên người sẽ dân sơ tán tùy theo tình hình thực tế, ví dụ như theo dõi thông tin về địa điểm phun trào và hướng dung nham chảy.

Phần 3: Chủ động sơ tán và đi bộ sơ tán

Theo kế hoạch, nếu Cơ quan Khí tượng phát hiện sự gia tăng của động đất núi lửa có thể dẫn đến phun trào và nâng mức cảnh báo, thì người dân cần phải chủ động sơ tán đến nhà của người thân quen hoặc những cơ sở lưu trú khác. Việc sớm phân tán người dân sẽ có thể tránh được tình huống hỗn loạn khi tất cả sơ tán tập trung ở một nơi vào cùng một thời điểm.

Khi sơ tán tránh dung nham phun trào, về nguyên tắc là đi bộ, vì dung nham tràn ra với tốc độ chậm và vì nếu đi bằng ô tô mà bị kẹt xe thì có thể không thoát kịp. Tuy nhiên, những người cần hỗ trợ, như người già hoặc người khuyết tật, phải sơ tán bằng ô tô.

Đối với du khách, khi thấy dấu hiệu của phun trào, dù chưa có cảnh báo của Cơ quan Khí tượng, người leo núi sẽ phải xuống núi, còn du khách khác trong khu vực sẽ phải về sớm, trước khi hỗn loạn xảy ra. Điều này nhằm tránh tình trạng phải sơ tán người dân sau, vì nếu sơ tán người dân đồng thời với sơ tán du khách thì sẽ tắc nghẽn hơn.


Phần 4: Nguyên tắc sơ tán

Trên nguyên tắc, kế hoạch sơ tán mới bao gồm thay đổi về cách thức và địa điểm sơ tán. Trong kế hoạch cũ, người dân phải di chuyển đến các khu vực xa nơi có cảnh báo nguy cơ núi lửa. Tuy nhiên, trong kế hoạch mới, bản đồ cảnh báo nguy hiểm sẽ chi tiết hơn, giúp người dân tìm được những nơi tương đối an toàn trong khu dân cư hoặc những nơi gần đó. Kế hoạch mới cũng đặt mục tiêu giúp người dân duy trì cuộc sống một cách bình thường nhất có thể.

Tuy nhiên, chưa từng nghi nhận vụ phun trào nào ở núi Phú Sĩ kể từ khi bắt đầu thống kê. Điều này khiến việc dự đoán thời gian và địa điểm phun trào trở nên khó khăn hơn. Do đó, kế hoạch mới kêu gọi các thành phố trong khu vực tự quyết định địa điểm sơ tán, tùy thuộc vào tình hình phun trào, thay vì quyết định trước địa điểm sơ tán.

Kế hoạch mới cũng đề nghị tăng cường các biện pháp hỗ trợ cho những người có nhu cầu. Tại các khu vực dòng dung nham có khả năng tiếp cận trong vòng 3 giờ sau khi phun trào, kế hoạch mới kêu gọi các bệnh viện và cơ sở chăm sóc người cao tuổi lập kế hoạch sơ tán cho bệnh nhân và những người sinh sống tại đó. Theo kế hoạch mới, trong trường hợp cơ quan khí tượng nâng mức cảnh báo phun trào núi lửa lên mức có thể ảnh hưởng đến khu dân cư, các trường tiểu học và mẫu giáo trong khu vực cần nhanh chóng cho học sinh nghỉ học và để người giám hộ đón các em.

Phần 5: Tác động của tro bụi núi lửa

Trong trường hợp núi Phú Sĩ phun trào quy mô lớn, tùy thuộc vào hướng gió và tốc độ gió, tro bụi núi lửa sẽ không chỉ tác động đến các tỉnh gần núi Phú Sĩ mà còn cả thủ đô Tokyo và các vùng lân cận. Điều này có thể làm gián đoạn giao thông công cộng và làm tê liệt hậu cần, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Một hội đồng bao gồm các quan chức từ các tỉnh Shizuoka, Yamanashi và Kanagawa cùng với các chuyên gia đã công bố kế hoạch sơ tán diện rộng vào năm 2019. Theo kế hoạch này, có khoảng 8,85 triệu người, chủ yếu ở các địa phương thuộc tỉnh Kanagawa, sẽ bị ảnh hưởng bởi lớp tro bụi núi lửa dày ít nhất 2cm. Con số này được ước tính dựa trên vụ phun trào hơn 300 năm trước, trong thời kỳ Edo.

Hội đồng đã mô phỏng tác động của tro núi lửa đối với cuộc sống của người dân. Theo kết quả mô phỏng, ngay cả khi lớp tro núi lửa trên đường chỉ dày 1mm thì các phương tiện cũng chỉ có thể di chuyển với vận tốc khoảng 30 km/h. Nếu lớp tro dày ít nhất 5cm, tốc độ tối đa giảm xuống khoảng 10 km/h. Nếu lớp tro từ 10 cm trở lên, xe không thể chạy trên đường.

Cũng theo hội đồng này, tro bụi núi lửa sẽ ảnh hưởng đến các khu vực khác nhau tùy thuộc vào quy mô của vụ phun trào và hướng gió. Họ khuyến nghị người dân là thay vì lên kế hoạch trước về địa điểm sơ tán thì nên nhanh chóng vào trong nhà, ví dụ như các tòa nhà bê tông kiên cố gần đó. Hội đồng kêu gọi mọi người dự trữ nước và thực phẩm đủ cho một tuần trong trường hợp phương tiện không thể di chuyển trên đường khiến hoạt động hậu cần bị gián đoạn.