Những nguyên tắc trong văn hóa ăn uống của người Nhật Bản

I.Phong cách ăn của người Nhật

1. Sử dụng đũa trong bữa ăn

Người Nhật rất ghét phương pháp ăn bằng tay vì tay sẽ trở nên dơ bẩn. Bởi vì họ nghĩ rằng có nhiều tạp khuẩn khác nhau ở trong tay, chỉ rửa một chút thì vẫn còn sót lại rất nhiều ở trong các móng tay v.v… Chắc chắn đây không phải là cách ăn có vệ sinh.

2. Số lượng chén bát

Người Nhật coi trọng hình dáng, hương vị có sẵn của vật liệu, coi trọng vẻ đẹp của hình dáng sắp xếp món ăn v.v… Vì thế, có điểm đặc thù là mỗi món ăn được xếp trên một đĩa riêng biệt nên có nhiều loại chén bát bày ra trên bàn. Và vừa ăn vừa thưởng thức hương vị của từng đĩa thức ăn.

Ngược lại, có lẽ là cách thức ăn uống thông thường trong nhiều quốc gia là, cho món ăn lên trên một đĩa lớn có cơm, rồi sau đó để món ăn thấm vào cơm, hoặc trộn lại và ăn cơm chung với các món ăn. Điểm lưu ý ở phong cách ăn uống của người Nhật là khi ăn tuyệt đối không được bỏ thức ăn thừa ra trên bàn hoặc vứt xuống sàn nhà.

3. Thực phẩm xanh

Thành phần nguyên liệu nổi bật nhất mà người Nhật ưa dùng là một số thực phẩm xanh đơn giản nhưng là cơ sở cho các bữa ăn hàng ngày: Cá, rau biển, rau quả, đậu nành, gạo, trái cây, trà xanh. Họ ưu tiên thực phẩm hữu cơ, thiên nhiên.

4. Tự nấu ăn ở nhà

Người Nhật thích nấu ăn tại nhà. Phong cách ăn uống của người Nhật gồm một bát cơm, cá nướng, rau luộc, súp đậu hũ, trái cây tráng miệng và trà xanh. Người Nhật tiêu thụ gần 10% thực phẩm cá của thế giới, mặc dù dân số của họ chỉ chiếm 2%, cụ thể hóa thì mỗi người dân Nhật ăn cá gấp 5 lần so với người dân khác trên thế giới. Hàm lượng acid béo omega-3 được bổ sung hàng ngày là lý do giải thích tại sao họ lại sống lâu và khỏe mạnh đến thế. Chưa kể người Nhật cũng tiêu thụ rau cải, súp lơ xanh, cải bắp, cải xoăn… gấp 5 lần người Mỹ.

5. Ưu tiên thực phẩm tươi

Bí quyết và phong cách ăn uống của người Nhật là sử dụng đồ tươi và đúng lúc. Theo Naomi Moriyama – tác giả cuốn sách “Phụ nữ Nhật không già và béo” thì siêu thị Nhật Bản luôn cung cấp đồ tươi. Thực phẩm đóng gói không chỉ đề ngày mà đề giờ, bởi những người nội trợ ở nước này chọn mua cá, thịt, rau, hoặc chuẩn bị bữa ăn khi thực phẩm chỉ vừa được đóng gói nửa giờ trước trong ngày hôm đó.

6. Số lượng bữa ăn

Khẩu phần ăn của người Nhật nhỏ và ăn thành nhiều bữa. Từ thời thơ ấu, họ đã được dạy phải ăn chậm, thưởng thức từng miếng trong khi đĩa thức ăn có kích thước nhỏ (so với Mỹ thì đĩa thức ăn này chỉ bằng 1/3). Cách trình bày thức ăn đã nấu chín tại nhà cũng tuân theo nguyên tắc: Không bao giờ đắp đầy, mỗi món phục vụ riêng, thường là vừa đủ, mang vẻ đẹp tự nhiên và tốt nhất là đồ tươi.

7. Chế biến

Cách chế biến thức ăn thường là nấu chín nhẹ nhàng với các kỹ thuật như hấp, áp chảo, xào, hầm hoặc nướng nhanh. Các đầu bếp Nhật Bản thích sử dụng dầu tốt cho trái tim và nước dùng là hương vị theo mùa. Và quan trọng là bữa ăn đủ để cảm thấy hài lòng nhưng không quá no.

8. Bữa ăn sáng

Tại Nhật Bản, bữa sáng được coi là bữa ăn quan trọng nhất và lớn nhất trong ngày. Bữa ăn này có thể bao gồm một số món nhỏ như cơm, súp đậu hũ và hành lá, lá rong biển, trứng tráng hoặc một miếng cá, trà xanh…

II. Quy tắc trên bàn ăn của người Nhật

Trong các bữa ăn, người Nhật có rất nhiều quy tắc. Vì vậy, để tránh bị coi là người thiếu lịch sự, thiếu tôn trọng bạn hãy chú ý quy tắc dưới đây nha.

a, Quy tắc khi dùng đũa

1. Đừng bao giờ cắm thẳng đũa vào bát cơm, vì người Nhật cho rằng việc cắm đũa vào bát cơm chỉ dành cho người đã mất.

2. Không chà đũa vào nhau, điều này như ám chỉ đôi đũa rẻ tiền.

3. Không để đũa lên miệng bát, hãy đặt đũa của bạn lên những chiếc gác đũa nhé.

4. Không sử dụng đũa mình đang dùng để gắp thức ăn cho người khác.

5. Không nên chạm đũa vào các món ăn mà bạn không có ý định gắp (Điều này bị cho là mất lịch sự).

b, Những quy tắc lịch sự khi ăn uống

1. Vị trí ngồi trong bàn ăn: Người quan trọng nhất sẽ ngồi xa cửa nhất. Hãy chờ những người có cấp bậc hơn hoặc người cao tuổi ngồi rồi bạn mới ngồi. Nếu là khách, bạn hãy để chủ nhà chọn chỗ cho mình.

2. Hãy cảm ơn/mời trước khi ăn: “Itadakimasu” (Xin phép dùng ạ/Cảm ơn vì món ăn).

3. Khi ăn thức ăn nên ăn cả miếng, tránh cắn nửa rồi để lại vào bát. Nếu miếng quá to, bạn hãy lấy tay che miệng lại và ăn từ từ.

4. Trong bữa ăn, hãy để tay lên trên bàn, đừng để tay ở đùi hoặc chân vì hành động này bị coi là thiếu đúng đắn.

5. Không để thừa đồ ăn. Hãy lấy một lượng vừa đủ để tránh trường hợp này.

6. Tăm xỉa răng thường được để ở nhà vệ sinh trong các nhà hàng ở Nhật (lý do là vì phụ nữ Nhật rất ngại xỉa răng trước mặt người khác).

7. Không dùng tay để hứng đồ ăn khi gắp, hãy dùng bát của mình để hứng nhé.

8. Không để xương hoặc vỏ hải sản vào nắp bát hoặc bát đĩa khác. Hãy để vỏ hải sản vào đĩa đựng món ăn sau khi kết thúc để tránh bị coi là bất lịch sự.

9. Khi ăn không nên phát ra tiếng động, trừ khi ăn mì (Trong trường hợp này tiếng húp sẽ được cho là thể hiện sự ngon miệng).

10. Không ăn trực tiếp từ đĩa chung. Các món ăn của người Nhật có đồ gắp và múc riêng cho món đó, bạn hãy dùng đồ gắp riêng lấy một lượng thức ăn nhỏ và để vào bát của riêng bạn rồi mới thưởng thức nhé.

Trên đây là những thông tin về văn hóa ăn uống của người Nhật cùng một số lưu ý trong nguyên tắc văn hóa Nhật Bản trong ăn uống thật đặc biệt phải không nào? Đây sẽ là những kỹ năng cơ bản cho các bạn thực tập sinh, lao động Nhật Bản trong quá trình thích nghi với cuộc sống tại “đất nước mặt trời mọc”. Bạn hãy ghi chú lại trong sổ tay của mình để tránh gặp những trường hợp xấu hổ nhé.