Phòng chống sốc nhiệt mùa hè ở Nhật Bản

Hằng năm, ở Nhật Bản có nhiều người được đưa tới bệnh viện do bị sốc nhiệt, và một số trường hợp thậm chí tử vong. Do vậy, sốc nhiệt có thể được coi như một loại "thảm họa". Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về sốc nhiệt và cách phòng tránh.

  I. Thời tiết khí hậu ở Nhật và tình trạng nắng nóng vào mùa hè của Nhật năm 2023

  1. Khí hậu Nhật Bản

Nhật Bản nằm trong khu vực khí hậu gió mùa, mưa nhiều. Phía bắc có khí hậu ôn đới, mùa đông kéo dài, lạnh và có nhiều tuyết. Phía nam có khí hậu cận nhiệt đới, mùa đông không lạnh lắm, mùa hạ nóng, thường có mưa và bão.

Tuy nhiên Nhật Bản lại có mùa hè với nhiệt độ cao. Gần đây do biến đổi khí hậu, vào mùa hè một số thành phố như Tokyo hay Osaka, nhiệt độ trong ngày nhiều khi lên tới 40 độ, độ ẩm cao. Điều này có thể dẫn đến tình trạng sốc nhiệt (熱中症), thậm chí gây tử vong.

  1. Tình trạng nắng nóng vào mùa hè của Nhật năm 2023

(Người dân đi bộ ở quận Ginza của Tokyo hôm 18/6. Ảnh: Kyodo)

Trong bản tin dự báo thời tiết cho 3 tháng kể từ tháng 7 công bố, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cảnh báo, sự kết hợp của El Nino với các tác động kéo dài của La Nina, dẫn tới miền đông và miền tây Nhật Bản, cùng với Okinawa và quần đảo Amami, sẽ bị không khí nóng bao phủ.

Đầu tháng này, cơ quan thời tiết Nhật Bản cho biết El Nino đã bắt đầu và có khả năng duy trì cho đến mùa thu.“Vào mùa hè này, El Nino sẽ mạnh hơn, được gọi là siêu El Nino" - Masahiro Watanabe - giáo sư tại Viện Nghiên cứu Đại dương và Khí quyển của Đại học Tokyo - nói với Asahi Shimbun vào đầu tháng 6.

Hiện ở Nhật Bản là mùa mưa nhưng nhiệt độ đã tăng lên. Vào cuối tuần, nhiệt độ lên tới 30 độ C trên khắp Nhật Bản, khiến giới chức phát cảnh báo về sốc nhiệt. Ngày 18.6, thành phố Maebashi ở tỉnh Gunma có nhiệt độ tăng lên 35,5 độ C.

Dữ liệu của chính phủ Nhật Bản nhận thấy trong tuần tính đến 18.6, 1.843 người đã được đưa đến bệnh viện nghi do sốc nhiệt, cao hơn gấp đôi so với tuần trước.

(Theo Báo lao động ngày 22/06/2023)

  II. Sốc nhiệt là gì và triệu chứng của sốc nhiệt.

  1. Sốc nhiệt là gì?

     

Tình trạng sốc nhiệt xảy ra khi trời không có gió, kết hợp với ánh nắng mặt trời gay gắt chiếu trực tiếp, cùng với nhiệt độ và độ ẩm cao. Khi đó, cơ thể đổ nhiều mồ hôi, gây thiếu nước và muối. Việc điều hòa thân nhiệt trở nên khó khăn, khiến thân nhiệt quá cao và gây sốc nhiệt.

  1. Triệu chứng của sốc nhiệt

​-  Choáng váng, nóng mặt

-  Đau cơ, chuột rút, cơ co giật

-  Mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn

-  Ra mồ hôi bất thường (đổ mồ hôi lạnh hoặc không có mồ hôi)

-  Thân nhiệt cao, da chuyển sang đỏ

-  Đứng không vững, mất ý thức

-  Phòng tránh sốc nhiệt cần làm gì

  III. Phòng chống sốc nhiệt

Sốc nhiệt là một tình trạng nguy hiểm nhưng chúng ta có thể phòng chống bằng các điều sau:

    1. Bù nước

Vào những ngày nóng ẩm, hãy uống nước và bổ sung muối khoáng natri thường xuyên trước khi cảm thấy khát.

    2. Ngăn nắng chiếu vào phòng

Dùng mành hoặc rèm để che nắng chiếu trực tiếp vào phòng.

    3. Khi ở ngoài trời, hãy đội mũ hoặc che ô.

    4. Vận động cũng là một cách tốt để chống sốc nhiệt.

Chọn thời điểm trời mát và tập thể dục như đi bộ để cơ thể thích nghi với việc toát mồ hôi cũng là một cách hiệu quả phòng ngừa sốc nhiệt. Cơ thể càng khỏe mạnh thì nguy cơ sốc nhiệt càng giảm.

    5. Ăn và ngủ cũng là hai bước quan trọng để cơ thể khỏe mạnh. Vào mùa hè, tốt nhất là tăng cường ăn rau xanh và hoa quả, bổ sung đủ chất và hạn chế dầu mỡ. Hãy chuẩn bị một môi trường ngủ thoải mái. Sử dụng chăn ga gối đệm có khả năng thoáng khí và thấm hút mồ hôi, đồng thời sử dụng điều hòa không quá lạnh hoặc quạt gió để ngủ ngon.

  IV. Sơ cứu khi sốc nhiệt

Trong phần cuối của loạt bài nói về sốc nhiệt, Đông Phương tập trung vào việc cần làm gì để sơ cứu cho người trong gia đình hoặc hàng xóm bị sốc nhiệt. Nhưng điều cần thiết vẫn là phải gọi xe cấp cứu để đưa bệnh nhân đến bệnh viện nếu thấy người bệnh có những triệu chứng nghiêm trọng như bị mất ý thức. Dưới đây là những điểm chính cần làm để sơ cứu:

1. Để bệnh nhân nằm trong phòng mát mẻ hoặc trong bóng râm

2. Để chân của bệnh nhân cao hơn đầu. Cởi tất chân và nới lỏng quần áo

3. Làm mát bằng cách quạt, và đặt các gói đá hoặc khăn ướt lên người bệnh nhân. Ta có thể làm mát một cách hiệu quả bằng cách đặt gói đá ở các bộ phận của cơ thể nơi có các động mạch chính chạy gần b mặt da, chẳng hạn như gáy, nách hoặc háng.

4. Cho bệnh nhân uống nước pha muối, uống từng chút một. Hãy để cho người bệnh nhân uống theo khả năng của họ. Đừng ép bệnh nhân uống vì như vậy sẽ có nguy cơ bị sặc và dẫn tới viêm phổi.

5. Đưa bệnh nhân đi bệnh viện nếu các triệu chứng của người đó không cải thiện.

Tránh bị sốc nhiệt không phải là việc quá khó nếu chúng ta thực hiện các biện pháp trên trong cuộc sống hàng ngày. Hãy tận hưởng một mùa hè rực rỡ và an toàn nhé!