Quy định vứt rác tại Nhật

 

PHÂN LOẠI RÁC Ở NHẬT: DỄ HAY KHÓ?

Ở các nước phát triển, rác được phân loại cụ thể để thuận tiện cho việc thu gom và xử lý. Tuy nhiên, việc phân loại và xử lý rác ở Nhật cực kỳ nghiêm ngặt khiến người dân ở các nước dù đã có thói quen phân loại rác nhưng vẫn còn cảm thấy rất khó khăn về vấn đề này khi sống tại Nhật. Vậy nên không có gì ngạc nhiên khi các du học sinh, người lao động Việt Nam đến Nhật dù đã học thuộc cách phân loại mà vẫn cảm thấy lúng túng khi đi đổ rác.

Phân loại rác

Phân loại rác ở Nhật có gì mà khó đến vậy? Và bạn có từng bị nhầm lẫn lần nào chưa? Cùng theo dõi bài viết dưới đây  nhé.

1. Vì sao cần phân loại rác?

Hàng ngày, chúng ta thải ra rất nhiều rác qua các sinh hoạt. Từ những rác nhỏ tưởng chừng vô hại như giấy báo, vỏ trái cây đến các loại rác lớn hơn như nồi, chảo; thậm chí là những rác nguy hiểm như bóng đèn, pin… Thử tưởng tượng tất cả đều được cho vào một thùng rác thì chuyện gì xảy ra?

Quy trình xử lý rác tại Nhật

Việt Nam mới bắt đầu hướng dẫn và kêu gọi người dân phân loại rác từ năm 2020 nhưng việc phân loại rác từ người vứt rác (được gọi là phân loại từ nguồn) trên thế giới đã có từ lâu. Bởi nó giúp cho Nhà nước tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý; xa hơn là để giảm đi sự ô nhiễm môi trường và tích cực tái sử dụng các rác có thể tái chế.

2. Phân loại rác trên cơ sở nào?

Mỗi quốc gia sẽ có cách phân loại khác nhau, tùy thuộc vào quy trình thu gom và xử lý rác. Nhưng nhìn chung, cách chia rác ra làm các nhóm đều tương tự nhau gồm: Chất thải lỏng, Chất thải rắn, Chất thải thực phẩm, Chất thải tái chế và Chất thải nguy hiểm.

5 cách phân loại rác

Trong từng loại chất thải, các quốc gia sẽ chia ra thêm các nhóm nhỏ giúp người dân dễ nhớ và dễ phân biệt. Song song với việc hướng dẫn, Nhà nước cũng hỗ trợ người dân trong việc đóng gói rác, đặt các thùng rác và cung cấp túi rác phù hợp để người dân thực hiện phân loại rác triệt để.

3. Phân loại và xử lý rác tại Nhật

Như đã nói ở phần trên, mỗi quốc gia sẽ có cách phân loại rác khác nhau. Ở Nhật cũng vậy, mỗi thành phố sẽ có cách phân loại rác khác nhau nhưng vẫn dựa trên các quy tắc sau.

i. Rác cháy được: gồm các rác sinh hoạt hàng ngày như rác từ nhà bếp, tã giấy các loại; áo quần (nếu còn sử dụng được thì chuyển sang rác tái chế), sản phẩm thuộc da như giày, túi xách; đồ cao su; đồ gỗ; đồ nhựa (không dán nhãn tái sử dụng hoặc chai pet).

Rác cháy được

Các thành phố sẽ có quy định về quy cách, kích thước của loại rác này trước khi bỏ như: dầu ăn phải thấm sạch bằng giấy hoặc vải; tã phải được xử lý đồ dơ; đối với cành cây hoặc củi, que thì phải cột thành bó có đường kính dưới 10cm và dài 50cm.

Do là rác sinh hoạt nên số lần bỏ trong tuần sẽ nhiều hơn các loại khác, thông thường 2 lần/ tuần. Rác này phải bỏ vào bao chuyên dụng cho rác gia đình và một lần không được vứt quá số lượng bao quy định.

ii. Rác không cháy được: đồ điện cỡ nhỏ như nồi cơm, máy nướng bánh, đầu đĩa; đồ kim loại như chảo nồi, móc áo; dù; đồ dễ vỡ như thủy tinh, gốm sứ; bóng đèn LED; hộp nhựa…

Rác không cháy được

Nhóm rác này được xem là có thể gây nguy hiểm vì có đồ dễ vỡ nên người vứt rác phải sử dụng túi rác có gắn nhãn “Chú ý đồ dễ vỡ”, miệng túi phải được dán chặt để đồ không rơi rớt ra ngoài. Đối với các chai chứa chất lỏng (keo, dầu…) thì cần phải tháo hết dung dịch ở trong ra trước khi vứt.

iii. Rác cồng kềnh: là các đồ điện trong gia đình như loa, máy hút bụi, quạt; ngoài ra là nệm, tủ, bàn, xe đạp… Mỗi địa phương sẽ quy định kích thước để phân biệt rác nào là cỡ lớn.

Rác cồng kềnh

Loại rác này không thể đem vứt theo ngày quy định mà khi phát sinh nhu cầu, bạn phải gọi đến Trung tâm thu gom rác kích thước lớn ở nơi mình sống để đăng ký thông tin. Sau khi được tiếp nhận, hai bên sẽ thống nhất ngày vứt và bạn có trách nhiệm đóng phí thu gom rác cỡ lớn này.

Tuy nhiên, một số địa phương sẽ không tiếp nhận các sản phẩm như tivi, máy giặt, máy lạnh, tủ lạnh… như rác. Trường hợp này bạn cần liên hệ đến nhà sản xuất hoặc đại lý bán hàng để họ thu gom thành hàng tái chế. Dĩ nhiên, bạn vẫn sẽ trả phí vận chuyển và tái chế. Hoặc để tiết kiệm thì bạn có thể bán cho các cửa hàng thu mua đồ cũ.

iv. Rác tái chế: là những loại rác có thể sử dụng lại như thùng carton, giấy báo, chai nhựa, lon…

Rác tái chế

Loại rác này khi vứt cần phải tháo và đóng gói theo quy định. Ví dụ như thùng carton phải gỡ và xếp nằm; sách vở, tạp chí đóng theo xấp; đồ hộp giấy (sữa, bánh) cũng cần cắt góc để xếp nằm; quần áo cũng cần xếp ngay ngắn. Các loại chai nhựa, lon thiếc đều cần tráng qua nước để làm sạch trước khi biến thành rác.

Các loại rác tài nguyên đều phải buộc chặt và thẳng hàng khi đem vứt, tránh để rác xộc xệch khi đem ra đến bãi. Các rác này đều thấm nước nên không được đem vứt khi trời mưa. Thêm vào đó, nếu giấy các loại đã dơ thì không thể dùng tái chế được nữa. Khi đó sẽ chuyển sang thành rác cháy được.

v. Rác nguy hại: là các sản phẩm gây hại cho người và môi trường khi thải, cần được xử lý đặc biệt như: bóng đèn huỳnh quang, bóng đèn tròn, pin, quẹt ga, kẹp nhiệt độ thủy ngân hoặc dao kéo, búa kìm các loại…

Rác nguy hiểm

Rác nguy hại thường được gom 1 lần/ tuần và cũng sử dụng cùng loại bao với rác không cháy được. Và vì là rác nguy hiểm nên người vứt rác cần xử lý các chất lỏng trong các loại bình xịt, quẹt ga trước khi bỏ. Các dụng cụ dao, kéo phải được gói kỹ bằng giấy báo để không gây thương tích cho người thu gom.

4. Công việc liên quan

Để đưa ra được những quy định chi tiết về cách thu gom và vứt rác như vậy, ngoài việc hướng dẫn cho người dân về cách thức xử lý rác thì các thành phố ở Nhật cũng chuẩn bị rất đầy đủ các vật dụng và thùng rác đúng như quy chuẩn để người dân không gặp khó khăn.

Đối với bao vứt rác, người dân có thể mua ở ở các siêu thị tiện lợi. Bao rác có nhiều kích thước khác nhau. Hầu hết bao rác có màu sáng để người thu gom có thể thấy được rác nào trong túi.

Các loại túi đựng rác

Ngoài ra, khi đến bất cứ thành phố nào, bạn cũng cần tìm lịch vứt rác vì mỗi nơi sẽ có lịch thu gom rác khác nhau. Một số nơi còn có ứng dụng để tra lịch đổ rác để người dân thuận tiện trong việc xử lý rác.

Lịch thu gom rác

5. Học viên Đông Phương được đào tạo bài bản về việc phân loại rác 

Phân loại và xử lý rác ở Việt Nam còn là một khái niệm xa lạ. Vậy nên chắc chắn các bạn đều cảm thấy khó khăn khi phải làm quen và học cách vứt rác, thứ tưởng như đã bỏ đi và không còn ý nghĩa. Nhưng khi bạn thật sự hiểu được ý nghĩa của hành động này với bản thân mình và môi trường, bạn sẽ cố gắng tiếp nhận mọi kiến thức để áp dụng được trong cuộc sống hàng ngày.

Ở Đông Phương, học viên cũng được làm quen với việc phân loại rác qua sinh hoạt hàng ngày bằng các thùng rác theo màu và có ghi rõ loại rác được vứt vào thùng. Ngoài ra, ở các lớp học trước khi xuất cảnh, học viên một lần nữa lại được hướng dẫn kiến thức này để phân loại rác trở thành một phản xạ.